Những khó khăn khi đi phượt xa

Đăng bởi Anh Phương vào lúc 07/11/2018

Trong một chuyến phượt chinh phục cực Đông của Việt Nam, vì quá đuối sức, lại thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày, cô gái có nick name Hanamichi đã giã từ cuộc sống. Sự ra đi của cô để lại bao nuối tiếc lẫn lo lắng cho những người ở lại, nhất là những ai trót đam mê loại hình du lịch phiêu lưu này

Đi phượt đang trở thành trào lưu phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, nhằm tìm cảm giác mạnh, giải thoát tinh thần, khám phá khả năng sinh tồn của bản thân bằng cách “hành xác” trong những chuyến đi xa. Không giống với tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… phượt cuốn hút giới trẻ bởi đây là một hình thức khám phá mạo hiểm, những nơi thâm sơn cùng cốc mà không xác định trước lộ trình, thời gian… bằng mọi phương tiện: đi bộ, xe máy, ôtô, thuyền bè… Có thể đi phượt một mình hoặc đi nhóm.

Yếu đừng ra gió

Tháng 9/2010, cũng trong một chuyến đi phượt bằng xe gắn máy từ Lào Cai sang Lai Châu, đoàn dừng lại ở dòng suối Chăn để chụp ảnh, cô gái Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1983, Thái Bình) không may trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Người bạn cùng đoàn là Nguyễn Khánh Nguyên (sinh năm 1982, Hải Phòng) nhảy xuống cứu. Dòng nước quá xiết đã nhấn chìm cả hai.

Thi thoảng báo chí lại đưa tin những cái chết trên các cung đường khó. Nhưng tự mình chinh phục những vùng đất mới, món ngon địa phương cộng với những trải nghiệm sau một chặng đường gian lao đem lại nhiều kiến thức văn hoá vùng miền bổ ích, là lý do vì sao nhiều người trẻ yêu thích những chuyến đi phượt đến vùng đất lạ. Tuy nhiên, đây là loại du lịch đặc biệt, không kém phần mạo hiểm, đòi hỏi sức khoẻ đủ dẻo dai để chịu đựng được những cú va chạm trên các cung đường xấu, trong thời tiết khắc nghiệt…

heo PGS Nguyễn Hoài Nam, chủ tịch hội Tĩnh mạch học TPHCM: “Đa số dân phượt đều sử dụng xe gắn máy để di chuyển liên tục qua những đoạn đường cheo leo, nguy hiểm. Vì vậy, chỉ những người trẻ, mạnh khoẻ thì mới có thể theo nổi. Nhưng dù khoẻ mạnh đến đâu, cũng nên luyện tập thể dục thường xuyên trước đó cả tháng, chú ý các môn chạy bộ, bơi lội. Không nên liều đi một mình bằng xe gắn máy, mà phải lập hành trình chuyến đi, cùng một nhóm người, đoàn thể. Một điều mà ít ai chú ý là việc kiểm tra sức khoẻ. Các thành viên trong đoàn cần có bước khám sức khoẻ tổng quát, đặc biệt là khám tim mạch nhằm phát hiện những bất thường của cơ thể không phù hợp với hình thái du lịch này. Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, và những ai có bệnh lý về tim mạch, hen suyễn, suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính… không nên theo đuổi đam mê này”.

Ngoài những chặng đường giằng xóc, lầy lội, khí hậu vùng đất bạn đặt chân đến có thể khắc nghiệt: mưa nhiều, độ ẩm cao hoặc nắng nóng, khô hạn. Với những vùng núi cao, bạn phải đối mặt với các chứng bệnh do không khí loãng, lượng ôxy thấp, giá lạnh… Vì vậy, cần nắm rõ tình hình thời tiết vùng đất định đến để kịp thời trang bị đồ chống rét và các hành trang cần thiết.

Cũng theo lời khuyên của bác sĩ Hoài Nam, phải mang theo hộp sơ cứu bao gồm các loại thuốc thông thường như kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, tiêu chảy, ho, thuốc chống dị ứng, bông băng các loại, đặc biệt là phải có cuộn băng thun để băng ép vết thương khi gặp nạn. Quần áo phải gọn nhẹ, thoải mái, chọn giày thể thao để tiện di chuyển liên tục.

Ngoài ra, cũng cần chọn thời điểm thích hợp để lên đường. Nên xuất phát vào sáng sớm, nghỉ ngơi khi ánh nắng gay gắt. Đi vào mùa hè sẽ tiện lợi và ít gặp sự cố hơn mùa mưa. Mặc dù phải di chuyển liên tục cho kịp lộ trình, bạn cũng phải phân bố thời gian nghỉ ngơi và di chuyển sao cho nhịp nhàng, cân bằng thể chất.

Bạn cần học một khoá sơ cứu tại các trung tâm y tế để có thể tự cứu mình và bạn đồng hành nếu không may bị bong gân, chấn thương nhẹ, côn trùng cắn đốt. Giữa đường, chẳng may sức khoẻ có vấn đề, tốt nhất bạn nên dừng lại tại một trung tâm y tế địa phương để điều trị, sau đó tuỳ thuộc tình trạng thể chất mà tiếp tục hành trình hoặc trở về. Hãy biết dừng lại đúng lúc. Còn nhiều chuyến đi thú vị chờ bạn lần sau, nhưng một khi sức khoẻ suy sụp, nếu cứ chủ quan bạn sẽ trả giá đắt!

Dinh dưỡng trên từng chặng đường

TS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn đang trong quá trình ăn kiêng, hoặc cơ thể có vấn đề về dinh dưỡng thì không nên dấn thân vào một chuyến mạo hiểm”. Vấn đề dinh dưỡng vô cùng cần thiết vì có khi chúng ta đi ở vùng không có hàng quán, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm. Nên bỏ theo balô các thức ăn nhẹ nhưng giàu dinh dưỡng như sữa, bánh mì, bánh ngọt và các thức ăn khô. Nên tìm hiểu kỹ trước qua internet hoặc hỏi người đi trước những quán ăn địa phương ngon, an toàn.

Việc di chuyển liên tục và hoạt động dưới thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến cơ thể mất nhiều nước hơn bình thường, vì vậy, bạn phải luôn mang theo chai nước bên mình và bổ sung nước thường xuyên (đủ 2 lít mỗi ngày sẽ giúp cơ thể duy trì sức bền và không kiệt sức vì mất nước). Nên uống nước lọc, hạn chế các loại nước ngọt, nước đá. Bổ sung chất xơ rất quan trọng, nhưng không nên ăn rau sống tại hàng quán dọc đường, tốt nhất nên thay thế bằng các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C. Không ăn quá no gây khó di chuyển, tiêu hoá không tốt. Nên ăn nhiều lần vào những lúc nghỉ ngơi giữa những chặng đường

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo
Xin chào
close nav